Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2018

ĐẤT TRỜI VÂN NAM (PHẦN 3): ĐẠI NGHIÊN CỔ TRẤN (大研古镇)

LỆ GIANG CỔ TRẤN VÂN NAM TRUNG QUỐC
Đại Nghiên Cổ Trấn (大研古镇) có tên gọi quốc tế là Dayan Ancient Town.
Đại Nghiên Cổ Trấn hay còn được gọi với cái tên là Lệ Giang Cổ Trấn, vì ở Lệ Giang có 3 cổ trấn là Đại Nghiên (Dayan), Thúc Hà (Shuhe) và Bạch Sa (Baisha), trong đó Đại Nghiên cổ trấn là khu phố cổ lớn nhất, sầm uất nhất, tập trung nhiều điểm du lịch, tham quan và khách du lịch nên được xem như là biểu tượng cho Thành phố Lệ Giang, nên dân du lịch cũng gọi Đại Nghiên cổ trấn cái tên là Lệ Giang cổ trấn.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC
Toàn bộ khuôn viên của Đại Nghiên cực kỳ rộng lớn lên đến 3,8km2 nên về mặt thực tế có rất nhiều lối để đi vào cổ trấn, tôi ở Lệ Giang 3 ngày, và tôi vào cổ trấn ít nhất là theo 4 đường khác nhau. Nhưng khi các bạn ở bất kỳ một điểm nào và gọi taxi chở đến cổ trấn thì họ sẽ ưu tiên đưa các bạn đến cổng chính của Đại Nghiên Cổ Trấn. Taxi sẽ dừng lại ở một bãi đón/thả khách và từ đây các bạn chỉ cần đi bộ một đoạn nữa là sẽ thấy cổng chính của cổ trấn. 
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC
Và con đường từ cổng chính dẫn vào đại quảng trường của cổ trấn chính là Quảng trường Ngọc Hà (玉河广场) có tên gọi quốc tế là Yuhe Square. Ở mỗi cổ trấn khác nhau trong Thành phố Lệ Giang đều có quảng trường chính nhưng có thể nói, Ngọc Hà là quảng trường lớn nhất, và là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của phố cổ bên cạnh một điểm khác cũng nằm trong Đại Nghiên cổ trấn là quảng trường Tứ Phương. Điểm nhấn của quảng trường Ngọc Hà chính là hình ảnh bánh xe nước lớn được đặt bên dưới con sông Ngọc Hà - con sông này chính là mạch nước chính của cổ trấn và hình thành nên một hệ thống sông - cầu chằng chịt đặc trưng cho Đại Nghiên. Cùng với sông Ngọc Hà trong nội thành, Thành phố Lệ Giang có 354 chiếc cầu, cứ trung bình 1km2 có 93 chiếc cầu. Đó là lý do vì sao Lệ Giang được gọi với một cái tên mỹ miều khác là "Venice của Phương Đông".
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC
Ngay bên cạnh bánh xe nước cổ đó là Khu Rừng Điều Ước. Tại đây du khách viếng thăm có thể sử dụng các mảnh gỗ và viết những điều mong ước cũng như những gửi những lời chúc tốt đẹp của mình vào mảnh gỗ. Nét văn hóa đặc sắc này không chỉ có riêng ở Quảng trường Ngọc Hà mà rải rác khắp cổ trấn cũng như ở Lệ Giang bạn đều dễ dàng bắt gặp những hình ảnh các mảnh gỗ điều ước được treo khắp nơi. Chuông đung đưa trong gió lạnh, đưa đẩy triệu triệu điều ước về tình yêu bất diệt và hạnh ngộ trùng phùng lên tận đỉnh núi vươn chạm trời cao.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC
Một khi các bạn đã lạc vào Đại Nghiên Cổ Trấn thì thôi cứ đi mãi đi mãi mà cảm giác sẽ không bao giờ có thể khám phá hết được cái cổ trấn này. Nhưng tôi lại yêu Lệ Giang vì chính điều đó, tôi yêu cái cảm giác được thả cho tâm hồn mình một cách tự do, không cần biết mình phải đi đâu, đi như thế nào, cứ đi, và chỉ đi thôi, không quan tâm mình sẽ gặp cái gì vì cái gì cũng lôi cuốn tôi cả. Từng ngõ ngách trong con phố này đều có cái gì đó tỏa ra sức hấp dẫn kỳ lạ, nơi thì đông đúc nhộn nhịp, vô tình lạc bước vào một con hẻm bỗng dưng im lặng và vắng vẻ một cách bí ẩn.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC
Thành cổ này nằm trên cao nguyên Quý Châu, có độ cao hơn 2,400m so với mặt biển, từ xưa đã là chợ và thị trấn quan trọng nổi tiếng gần xa. Hiện nay, người dân tộc Nạp Tây (Naxi people) chiếm tuyệt đại đa số dân cư ở đây, và hầu hết người dân ở đây vẫn làm các nghề thủ công như làm đồ dùng bằng đồng, bằng bạc, nghề thuộc da và lông thú, dệt, chưng cất rượu.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC
Mãi lang thang thì vô tình tôi đến được Quảng trường Tứ Phương (四方街). Nơi đây được xây dựng từ đời nhà Thanh, do Thổ ty trong vùng đặt tên theo ý nghĩa là Quyền Trấn Tứ Phương và đây là trung tâm của thành cổ Lệ Giang. Tôi may mắn đến vào lúc mọi người đang biểu diễn văn nghệ. Các phụ nữ người Nạp Tây mặc vào bộ đồ truyền thống và trình diễn những điệu nhảy truyền thống dân tộc. Âm nhạc được vang lên khắp cả một vùng cổ trấn. Sau một tuần trên đất Vân Nam, tôi nhận ra đối với người dân nơi đây, không có gì quý giá và quan trọng hơn là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, và luôn giữ một tinh thần sảng khoái, một đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh và mọi người ai cũng yêu thích ca hát, nhảy múa.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC
Cách Quảng trường Tứ Phương không xa về hướng đông chính là cây cầu nổi tiếng nhất Đại Nghiên Cổ Trấn - cầu Đại Thạch (大石桥). Cầu Đại Thạch với dòng sông Ngọc Hà chảy uốn lượn bên dưới, hai bên bờ bao phủ bởi vô vàn những loại hoa tạo nên một khung cảnh ấn tượng và đầy màu sắc nhất mà tôi từng thấy. Và hiển nhiên có rất nhiều hàng quán cà phê, quán ăn dọc theo con sông này, nhưng chi phí khá cao đấy nhé, phần chi phí tôi sẽ làm một phần riêng cho những bạn nào cần tham khảo khi đi du lịch.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC
Tô vẽ cho Đại Nghiên Cổ Trấn không chỉ có sông Ngọc Hà, những cây cầu, mái nhà bằng ngói cổ và những căn nhà đậm chất Trung Hoa mà còn có rất nhiều những loài hoa đẹp. Chính vì khí hậu mát mẻ quanh năm nên Lệ Giang là thiên đường của các loài hoa. Chính vì sự đa dạng đó mà khi bạn đến thăm Đại Nghiên Cổ Trấn bạn sẽ không bao  giờ cảm thấy nhàm chán, bởi vì mỗi bước chân đều đưa bạn đến một khung cảnh mới lạ, mỗi một con hẻm đều đưa bạn đến một thế giới đầy màu sắc, vừa có sự hoài niệm, vừa có sự tươi mới của sức sống. 
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC

LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC
Và trong khi thăm thú Đại Nghiên Cổ Trấn thì các bạn có thể sẵn tiện tranh thủ mua đồ về làm quà cho bạn bè, người thân. Một số thứ mà các bạn có thể mua được như kẹo sữa làm từ bò Yak, các sản phẩm kẹo sữa khá đa dạng, kẹo cứng kẹo mềm, viên tròn, thanh dài đủ cả tùy theo sở thích mỗi người. Nơi đây còn là thiên đường của trà và thuốc lá, tôi chưa thấy nơi đâu thuốc lá lại phổ biến và nhiều chủng loại, đa dạng như thế, nhưng tôi không hút thuốc nên chỉ mua trà. Trà ở đây cũng đủ loại, giá nào cũng có từ 40 cho đến 300 yuan cũng có. Tùy theo khẩu vị và tài chính mỗi người thôi.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC
Bánh hoa hồng cũng là một lựa chọn tốt để làm quà. Lịch sử ghi lại, bánh hoa được một đầu bếp làm ra từ hơn 300 năm trước (thời nhà Thanh). Loại bánh này khi ăn có vị ngọt nhưng lại không ngấy và do chỉ sử dụng cánh hoa hồng để làm nhân nên khá quý. Sau này, khi trở nên phổ biến, bánh hoa được sử dụng để làm cống vật và trở thành một trong những món ăn phổ biến của vua.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC
Thịt bò khô, bạn sẽ dễ dàng tìm được rất nhiều cửa hàng bán thịt bò Yak phơi khô, tuy nhiên với thịt bò Yak tôi không khuyến khích các bạn mua ở Lệ Giang nếu như trong lịch trình các bạn có đi đến Shangri La, hãy đến Shangri La mua vì đây mới chính là cái nôi của bò Yak. Tôi cảm thấy thịt bò ở Shangri La ngon hơn ở Lệ Giang.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC
Về vấn đề ăn uống thì tôi có nhận xét như sau.
Để ăn vặt thì không có gì để bàn, các bạn có thể thoải mái ăn bất cứ cái gì bán trong cổ trấn từ những cái tôi kể trên cho đến bánh, kẹo, trà sữa, nước dừa, sầu riêng (ở Lệ Giang có cái món sầu riêng nướng khá lạ), v..v... Tùy tài chính và mức độ gan dạ mà các bạn cứ ăn cho thỏa thích thôi. Lâu lâu mới có dịp đến Lệ Giang thì sợ gì không thử.
Còn các bữa ăn chính trong ngày, một đặc trưng rất riêng mà cũng rất đáng sợ ở Lệ Giang đối với những người khách du lịch như tôi đó là họ cho rất nhiều dầu mỡ trong bất cứ món gì từ hủ tiếu, mì, bún nước cho đến cơm chiên thậm chí cả lẩu. Món gì cũng đầy dầu mỡ cho nên khi gọi món, các bạn hãy dặn người chủ quán là cho ít dầu thôi. Nhưng còn một cái đáng sợ hơn chính là:
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC
Bột ớt kiểu Vân Nam (pepper BBQ), loại gia vị này vừa khiến cho món ăn có vị rất cay và vừa có một hương vị cực kỳ đặc trưng đối với tôi, ngoài ra nó còn tác động đến vị giác và làm tê đầu lưỡi nên có người lại gọi là bột tê, nếu các bạn biết về ẩm thực vùng Tứ Xuyên thì sẽ quen với loại bột này. Và họ cho bột ớt này vào bất kỳ món gì, nó gần như là một kiểu gia vị không thể thiếu giống như muối đối với người Việt vậy. Nên nếu được bạn cũng nhắc họ cho ít loại bột ớt này hoặc không cho nếu bạn không thể ăn cay.
Làm sao để rời cổ trấn?
Cứ tưởng là chuyện nhỏ nhưng hãy tin tôi, nếu không chuẩn bị thì bạn sẽ mất kha khá thời gian trong việc tìm được ra khỏi cổ trấn để đón taxi đi về đấy. Như tôi đã nói ở trên, có rất nhiều lối để đi vào cổ trấn, nên cũng đồng thời có vô vàn những lối ra khỏi cổ trấn, nhưng tốt nhất nếu các bạn không rành đường thì hãy ghi nhớ vị trí Quảng Trường Ngọc Hà và hãy đi ra bằng cổng chính cũng như khi đi vào. Từ đó bạn dễ dàng quay ra bãi đậu của xe taxi và dễ dàng đón một chiếc taxi để đi tới những điểm khác.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC
Và khi mua đồ trong cổ trấn, với đồ ăn thức uống thì không bàn nhưng với tất cả những món còn lại như quà cáp, bánh kẹo, đồ lưu niệm thì trước khi móc hầu bao ra cho bất kỳ món gì các bạn phải đảm bảo rằng mình chỉ phải trả cho nhiều nhất là 2/3 mức giá đưa ra ban đầu. Đừng bao giờ nghe chủ tiệm nói giá xong là gật đầu cái rụp trả tiền, các bạn đã bị hố nặng. Cứ mạnh dạn trả giá từ 1/2 cho đến 2/3, không được thì đi không việc gì phải lăn tăn. Nhưng đảm bảo họ sẽ kêu bạn lại và bán luôn cho bạn vì ở trong Đại Nghiên Cổ Trấn họ nói giá thách ghê gớm. 
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC
Buổi tối làm gì ở Thành phố Lệ Giang?
Nếu các bạn đã ngán cổ trấn thì các bạn có thể đi ra ngoài khu vực thành phố, chỉ cần trang bị đầy đủ đồ giữ ấm thì cứ thong dong tản bộ trên các con phố, tận hưởng bầu không khí trong lành, cảm giác tê lạnh của vùng cao nguyên Quý Châu, vừa tản bộ vừa ngắm nhìn một cuộc sống về đêm ở Lệ Giang cũng là một trải nghiệm thú vị mà các bạn nên thử. Nhưng khuyến cáo với các bạn là ở Thành phố Lệ Giang có rất ít quán cà phê, không giống như ở Việt Nam mà cứ 50m là có một quán cà phê. Tại thành phố Lệ Giang nói riêng và Vân Nam nói chung, người ta không có thói quen la cà ra quán cà phê, hàng quán, vì là ở xứ lạnh nên người dân chuộng việc uống trà nóng hơn, họ thường dùng bữa xong là sẽ thưởng thức một bình trà nóng. Quán cà phê duy nhất bên ngoài cổ trấn mà tôi đã ghé khi ở Lệ Giang chính là Starbucks, quán cà phê nằm trong một khu trung tâm Shopping Plaza và cũng rất gần với cổng chính khu phố cổ.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC
Và tôi cũng khuyên các bạn nên dành một buổi tối khác để vào Đại Nghiên Cổ Trấn. Các bạn sẽ thấy một cổ trấn rất khác vào ban đêm. Nếu như Đại Nghiên cổ kính, đầy màu sắc, thanh bình và hiền hòa vào ban ngày, thì ban đêm nơi đây lại vô cùng sôi động với rất nhiều những quán cà phê, quán bar và nghe nhạc sống. Hình thức quán nước và có các ca sĩ nghiệp dư hát live rất phổ biến ở đây. Hoặc nếu bạn là một người sôi động thì hãy chọn các quán bar. Nhìn chung, Đại Nghiên trở thành một tụ điểm ăn chơi thứ thiệt vào ban đêm và hiển nhiên chi phí cho những cuộc ăn chơi này là không hề rẻ.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC
Tôi thì lại không thích các kiểu ồn ào như thế nên tôi chỉ muốn đi dạo quanh lại những con phố, ngõ hẻm trong phố cổ mà mình đã đi lúc sáng, để cảm nhận một cách trọn vẹn được cái quốc hồn quốc túy của cái gọi là biểu tượng của Lệ Giang. Ban đêm thì cổ trấn đông đúc hơn, nhiều màu sắc và cũng nhiều hàng quán hơn. 
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC
Hãy đến Đại Nghiên Cổ Trấn cả ban ngày lẫn ban đêm để có thể hiểu được trọn vẹn nơi đây. Bạn sẽ không bao giờ cảm thấy phí hoài thời gian và công sức. Ngoài ra, trong khuôn viên Đại Nghiên Cổ Trấn các bạn có thể đi tham quan một số điểm nổi tiếng khác như Mộc Phủ (木府), Vạn Cổ Lầu (万古楼) hoặc đi dạo ngắm cảnh trong công viên đồi Sư Tử. 
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC
_____________________________________________________________
CHI PHÍ:
Một số hạng mục chi phí các bạn cần lưu ý khi tham quan tại Đại Nghiên Cổ Trấn
Vé tham quan Mộc Phủ:40 yuan/người
Vé tham quan Vạn Cổ Lầu: 60 yuan/người
Món ăn dao động: 15-30 yuan/món
Kẹo sữa bò: 20-25 yuan/gói 250gram
Bánh hoa hồng: 15 yuan/gói 8 bịch nhỏ
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: