Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

ĐẤT TRỜI VÂN NAM (PHẦN 8): BẠCH SA CỔ TRẤN (白沙古镇)

LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC BẠCH SA CỔ TRẤN
Bạch Sa Cổ Trấn (白沙古镇) xưa kia vốn dĩ là kinh đô cũ của vương quốc Nạp Tây - hay còn gọi là cố đô trước đây khi người Nạp Tây mới di cư đến vùng này. Bạch Sa là nơi phát nguyên của gia tộc nhà họ Mộc. Gia tộc họ Mộc phát triển và trở thành thủ lĩnh của người Nạp Tây chính từ nơi đây trước khi chuyển về Đại Nghiên cổ trấn mà ngày nay cố cung chính là Mộc Phủ. Bạch Sa còn từng là trung tâm hành chính, văn hóa và kinh tế của người Nạp Tây.
Nếu như Đại Nghiên là một bản nhạc sôi động và đầy màu sắc, gợi tả sức sống cuồng nhiệt của Lệ Giang trong thời kỳ mới, thì Thúc Hà chính là một bản trường ca bi ai nhưng vô cùng hùng tráng, gợi tả về một thời vàng son lịch sử. Và trong đó, Bạch Sa chính là một mảnh ghép vô cùng hoàn hảo để khắc họa nên bức tranh tổng thể tuyệt vời của Tam Đại Cổ Trấn của vùng Vân Nam này. Một điều lý thú và cũng là điểm khác biệt của Bạch Sa đó là nó không đông đúc, ồn ào như Đại Nghiên, nhưng lại không u buồn, hoang phế như Thúc Hà. Bạch Sa là một sự cân bằng hài hòa một cách tuyệt vời giữa đời sống, văn hóa, kết hợp giữa những điều thuộc về lịch sử và những yếu tố tiến bộ của thời đại mới.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC BẠCH SA CỔ TRẤN
Để đi đến làng Bạch Sa, các bạn có thể đón xe bus số 6 hoặc cách nhanh nhất vẫn là đi taxi. Đường từ trung tâm thành phố đến làng Bạch Sa rất đẹp, ngồi trên xe các bạn sẽ được tận mắt trải nghiệm sự thay đổi cảnh vật xung quanh, chỉ cần vừa ra khỏi khu phố thị ồn ào thì các bạn sẽ như lạc vào một vùng thôn quê nào đó mà chẳng có dấu hiệu gì của một chốn đô thị phồn hoa phía sau. Để có thể mô tả Bạch Sa cổ trấn bằng một câu, thì câu đó chính là "Đây là nơi mà bạn có thể ngắm nhìn và cảm nhận một cách trọn vẹn nhất toàn bộ lối sống, tập quán và nền văn hóa Nạp Tây".
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC BẠCH SA CỔ TRẤN
Nếu bạn là một người yêu khám phá, say mê bước ra thế giới và tiếp thu những điều mới mẻ và có hứng thú với một nền văn minh Đông Ba của người Nạp Tây, thì hãy vứt hết những điều vu vơ ngoài kia và đến thẳng Bạch Sa cổ trấn - đây là nơi dành cho bạn. Hiện nay thì Bạch Sa cổ trấn các bạn có thể thoải mái tham quan và không cần tốn bất kỳ chi phí gì nhé, ngoại trừ phòng triển lãm tranh văn hóa Bạch Sa (Baisha Murals) thì các bạn phải mua vé là 30 yuan/người. Nếu bạn đã mua vé combo 200 yuan ở khu du lịch Ngọc Long Tuyết Sơn mà tôi đã đề cập ở bài trước thì không cần mua nữa.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC BẠCH SA CỔ TRẤN
Làng Bạch Sa không lớn, thậm chí nhỏ hơn cả Thúc Hà nên bạn chỉ cần dành một ít thời gian là có thể khám phá hết làng. Lang thang quanh ngôi làng, bạn sẽ được ngắm nhìn và tận hưởng một đời sống an nhàn, chầm chậm người Nạp Tây và lúc nào họ cũng nở một nụ cười thân thiện. Và ở đây cũng có rất nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, đa số là các đồ cũ (cổ hay không tôi không biết), từ các đồng tiền xu, các đồ chế tác từ bạc, cây trâm cài tóc, vòng tay, móc khóa..... thậm chí cả đồ khui nắp bia cũng có. Bạn có thể thoải mái bước vào xem và lựa chọn món đồ mình yêu thích nhưng nhớ là trả giá.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC BẠCH SA CỔ TRẤN
Bạch Sa chỉ có vậy thôi, không cầu kỳ, phô trương, bề thế, chỉ giản dị, mộc mạc như chính con người Nạp Tây vậy. Không địa điểm đẹp để check-in, không ánh nhạc linh đình, chỉ đơn giản là đời sống, đây là nơi người Nạp Tây sống, và họ sống một cuộc sống bình thường vốn có của họ. Nhưng chính vì lẽ đó mà tôi lại dành một tình cảm đặc biệt cho ngôi làng nhỏ này.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC BẠCH SA CỔ TRẤN
Một em bé người Nạp Tây
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC BẠCH SA CỔ TRẤN
Cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây rất an nhàn và thanh bình. Mới sáng ra mà đã trà dư tửu hậu rồi.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC BẠCH SA CỔ TRẤN
Một căn nhà điển hình tại làng Bạch Sa, đơn giản, vừa vặn, hài hòa, một mảnh sân nhỏ, trồng hoa trồng cây, hàng rào nhỏ đơn sơ xinh xắn, mái ngói điểm xuyến thêm cho căn nhà. Ai dám nói đây là màu mè, là phô trương, nhưng ai dám nói là không đẹp, không thơ mộng chứ. Nếu là tôi, tôi cũng chỉ cần bấy nhiêu là đủ. Nếu đã một lần đặt chân đến Lệ Giang, hãy cân nhắc khi quyết định ghé thăm ngôi làng nhỏ này, vì rất có thể bạn sẽ để lại đây cả trái tim.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: