Bức ảnh các bạn đang xem chính là toàn cảnh của một trong những biểu tượng tự hào của người Shangri-La. Công trình Đại Phật Tự (The Big Buddha Temple) nằm vững chãi trên ngọn đồi Quy Sơn, kế bên chính là Đại Pháp Kinh Luân (Prayer Wheel) - là một pháp khí của tôn giáo Mật Tông Tây Tạng. Có người ví rằng nếu như quần thể đền chùa Songzanlin Monastery là linh hồn của Shangri-La, thì chính chiếc Đại Pháp Kinh Luân khổng lồ kia là trái tim của nơi này.
Nếu bạn nào ở hotel gần khu vực phố cổ thì hoàn toàn có thể đi tản bộ để đến được đây. Còn những bạn nào ở xa hơn thì có thể đi taxi. Ở Shangri-La các bạn có thể sử dụng một số phương tiện di chuyển sau:
- Đi bộ;
- Taxi (2,5-3km/10 yuan);
- Thuê xe đạp (tôi không thuê nên không biết);
- Bus (tôi cũng không sử dụng bus nên không biết).
- Taxi (2,5-3km/10 yuan);
- Thuê xe đạp (tôi không thuê nên không biết);
- Bus (tôi cũng không sử dụng bus nên không biết).
Khi đã đến Shangri-La thì đây là nơi các bạn nên đến tham quan, không chỉ là một nơi đẹp để chụp ảnh, mà còn là dịp viếng thăm ngôi Đại Phật Tự. Đại Phật Tự tọa lạc trên đỉnh đồi, là một ngôi chùa của Phật Giáo Mật Tông Tây Tạng được xây dựng vào năm 1667 dưới thời của hoàng đế Khang Hy (Emperor Kangxi). Hơn 350 tồn tại, sau nhiều lần tu sửa, quy mô của ngôi Phật Tự ngày nay không còn to lớn như ban đầu. Bên trong ngôi Phật Tự thờ một bức tượng vàng của đức Phật (Shakyamuni Buddha hay Tất Đạt Đa Cồ Đàm) được mô phỏng theo bức tượng của Đại Chiêu Tự (Jokhang Temple) tại Lhasa.
Ở phần này tôi sẽ không có nhiều hình ảnh, vì khi đến đây, có 4 điều được ghi rõ là nghiêm cấm và không chỉ riêng tôi, mà tôi mong rằng sau này các bạn có đến đây thì hãy dành một sự tôn kính tín ngưỡng và đừng vi phạm những điều ấy:
- Không chụp ảnh bên trong chùa, đặc biệt là các vị đại sư đang ngồi đọc kinh;
- Không đội mũ, che khẩu trang khi vào bên trong chùa;
- Không làm ồn, gây mất trật tự;
- Khi đến tham quan, hãy đi theo vòng tròn chiều kim đồng hồ.
Sau khi viếng ngôi Phật Tự xong thì tôi đi ra vị trí chiếc Kinh Luân khổng lồ sát bên ngôi Phật Tự thôi chứ không xa đâu.
Đây được xem như là Đại Pháp Kinh Luân lớn nhất thế giới hiện nay với những con số kỷ lục: cao 21 mét và nặng 80 tấn. Thật lòng mà nói, nếu muốn vừa xoay kinh luân vừa có thể tụng câu thần chú "Om mani padme hum" thì phải trên 10 người lớn cùng hợp lực lại. Còn ít hơn thì vẫn được đấy, nhưng lúc đó các bạn sẽ như tham gia cuộc thi kéo co, chỉ lo cắn răng gồng sức mà kéo thôi chứ chả còn sức đâu mà tụng niệm. Và cũng theo một quy luật, các bạn phải xoay kinh luân theo chiều kim đồng hồ, và ít nhất là xoay tròn vòng chứ đừng xoay nửa nửa nhé.
Nói thêm một chút về hình ảnh của chiếc kinh luân, có lẽ đối với giới Phật giáo hoặc những người hay du lịch đến những nơi có sự xuất hiện của Phật giáo Đại Thừa của Kim Cang Thừa thì đã quen với hình ảnh chiếc bánh xe tròn, gắn trên một trục thẳng có thể xoay bằng tay. Nhưng các bạn có hiểu được ý nghĩa sâu xa ẩn sau hành động xoay xoay lặp đi lặp lại tưởng chừng như vô nghĩa đó là gì không?
Kinh Luân có rất nhiều kích cỡ, hình dáng, nhưng tụ chung điều quan trọng nhất của mỗi chiếc kinh luân chính là những câu thần chú "Um mani padme hum" được khắc bên trong. Những kinh luân nhỏ thường khắc 1.000 câu, những loại lớn hơn thì được khắc nhiều hơn, 2.000, 5.000, 10.000... và nhiều nhất chính là Đại Pháp Kinh Luân tại Shangri-La với số câu thần chú là 1.349.580.000.000 trong mỗi vòng quay. Một vòng xoay kinh luân tương ứng với việc bạn đã trì tụng được bấy nhiêu lần câu niệm. "Um mani padme hum" - thần chú của lòng đại bi của bồ tát Quan Thế Âm. Là những âm thanh kỳ diệu của chư Phật, bí mật khó hiểu và không thể nghĩ bàn, có khả năng tạo ra vô số công đức, niềm an bình và từ ái vô biên xoa dịu nỗi đau khổ của chúng sanh.
Sau khi xoay kinh luân xong, tôi cũng mệt bở hơi tai, vì ở đây không khí rất loãng oxy, một người sống ở vùng nhiệt đới như tôi ngày đầu mới lên Shangri-La mà xoay cái kinh luân này 10 lần thì mặt cắt không còn hột máu. Tôi đứng trên đỉnh đồi nghỉ ngơi một lát. Vô tình lại đúng nơi có thể ngắm nhìn toàn cảnh của Shangri-La bình yên bên dưới. Thú thật, trong đời tôi chưa có khoảnh khắc nào tôi cảm thấy bình an trong lòng đến vậy. Vừa xoay bánh xe kinh luân xong, giải trừ được biết bao nhiêu nghiệp chướng (không biết được không nhưng cứ tin là vậy), rồi lại tìm được một góc yên tĩnh ngắm nhìn một khung cảnh bình yên. Những mái nhà được lợp lá đơn sơ, không ồn ào, không xe cộ, không nhà cao tầng, không có một dấu hiệu gì của hiện đại hóa.
Trong kế hoạch ban đầu là tôi chỉ tính đi viếng Phật Tự xong, đi qua xoay Kinh Luân rồi tranh thủ thời gian đi vào phố cổ chơi ấy. Nhưng vì cái cảm giác bình an nơi đây khiến tôi không muốn đi đâu nữa. Tôi quyết định ngồi ở đây cho đến khi mặt trời lặn để đón hoàng hôn luôn, còn phố cổ thì để sau. Dù sao tôi cũng còn khá nhiều thời gian ở Shangri-La mà. Nhưng có một điều là nếu các bạn đã muốn ở trên này lâu thì phải chuẩn bị trước tinh thần nhé. Vì có nhiều người cũng như mình sẽ đến đây xoay kinh luân, và rất có khả năng là họ sẽ nhờ bạn hỗ trợ đó. Tôi giúp đến 4 nhóm đến sau, mỗi nhóm họ xoay cũng tầm 5-6 vòng. Vậy tính ra tôi xoay chắc cũng hơn 30 vòng cả thảy. Mệt thì có mệt, nhưng lại cảm thấy rất vui, trong tâm rất an nhiên chứ không có cảm giác bực bội.
Hoàng hôn hơi fail một chút, không thấy mặt trời, chắc do nhiều mây quá hoặc do tôi chọn không đúng hướng mặt trời hay sao. Nhưng dù sao quang cảnh cũng rất đẹp và thơ mộng. Ngồi đến khi mặt trời tắt nắng vàng thì tôi bắt đầu đi xuống, các bạn nhớ trên đường đi xuống nhớ thử món sữa bò yak pha với bột đại mạch nhé. Có một cô bán ngay dưới chân cầu thang, rất ngon và giá là 5 yuan/ly.
Trước khi kết thúc post về nơi này tôi bonus thêm 1 tấm chụp panorama.
_________________________________________________________
Đến tham quan ở đây thì các bạn không tốn bất kỳ chi phí gì nhé, chỉ có tốn 5 yuan để mua 1 ly sữa bò yak pha bột đại mạch thôi.
0 nhận xét: