Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

ĐẤT TRỜI VÂN NAM (PHẦN 5): THÚC HÀ CỔ TRẤN (束河古镇)

LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC THÚC HÀ CỔ TRẤN
Cố trấn Thúc Hà là một trong ba cố trấn tại Lệ Giang đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Đây là một trong những nơi sinh sống lâu đời nhất của người Nạp Tây và được hình thành do nhu cầu buôn bán trao đổi trên tuyến đường trà mã cổ đạo.
Thúc Hà cổ trấn nằm cách Đại Nghiên cổ trấn khoảng 5km về phía bắc, tọa lạc sát dưới chân núi Ngọc Long Tuyết Sơn nên Thúc Hà dường như được tận hưởng nguồn sinh khí từ dãy tuyết sơn làm cho không khí nơi đây giá lạnh quanh năm và luôn luôn trong lành. Để đi đến Thúc Hà các bạn có thể đón xe bus số 6 hoặc số 11 tùy vị trí lúc đó của mỗi người, hoặc chọn phương tiện linh hoạt hơn đó là taxi. Tôi chọn taxi để tiết kiệm thời gian, tiền taxi hết 18 yuan/1 chiều. Điều đầu tiên tôi ấn tượng với Thúc Hà chính là hình ảnh đối lập hoàn toàn với Đại Nghiên cổ trấn. Nếu như Đại Nghiên cổ trấn luôn luôn tấp nập dòng người bất kể ngày hay đêm, thì Thúc Hà lại mang trong mình một vẻ đẹp trầm mặc, hiu quạnh, một vẻ đẹp lặng lẽ, man mác buồn, buồn nhưng đẹp.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC THÚC HÀ CỔ TRẤN
Tôi có quen một bà chị, có thể nói người này là "chuyên gia về Vân Nam" vì chắc chị ấy đã đến Vân Nam không dưới 20 lần. Trong một dịp tình cờ chị được đến Vân Nam và đã phải lòng với vùng đất này, thế là cứ đều đặn mỗi năm chị đều du lịch đến đây, có năm phải vài lần. Chị ấy không phải người yêu du lịch, nhưng Vân Nam là một nơi có thể làm cho trái tim con người ta luôn nhung nhớ và mong được một lần quay lại. Với chị ấy, Thúc Hà cổ trấn còn đóng một vai trò quan trọng hơn cả Đại Nghiên cổ trấn. Một suy nghĩ hoàn toàn mang tính cá nhân thôi, nhưng chắc có lẽ vì Đại Nghiên giờ đây đang bị thương mại hóa quá nhiều, nó gần giống như một khu ăn chơi hiện đại mang trong mình một chiếc áo cũ. Ta không thể tìm được một cảm giác quay ngược dòng thời gian, lắng đọng cảm xúc với một khung cảnh hoài cổ bằng tại đây, tại Thúc Hà cổ trấn.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC THÚC HÀ CỔ TRẤN
Cảm xúc của tôi thật sự lắng lại khi vào Thúc Hà cổ trấn. Lang thang trên những con đường đá xanh, len lỏi trong cổ trấn là dòng sông Thanh Long chảy hiền hoà dưới chân cầu Thanh Long. Trong tầm mắt ta luôn thấy màu vàng của cây dương và màu xanh của những cành liễu đan xen giữa màu gạch ngói đen phủ tầng tầng lớp lớp trên những bức tường. Phía sau lưng trấn, lấp lánh màu trắng bạc sáng lấp lánh giữa khung trời xanh. Đó chính là màu của ngọn núi tuyết Ngọc Long hùng vĩ.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC THÚC HÀ CỔ TRẤN
Thúc Hà buồn lắm các bạn ạ, tôi có thể cảm nhận được một nét buồn man mác của một sự hoang tàn, để lại sau lưng là một quá khứ hùng tráng của một nơi từng là kinh đô giao thương bậc nhất vùng Vân Nam của người Nạp Tây. Ngày xưa, người Nạp Tây vốn lấy việc làm nông là công việc chính, kể từ sau khi các mã bang mang trà từ Trung Nguyên tiến xuống khu vực sinh sống của người Tạng để trao đổi lấy ngựa, đi ngang qua vùng này mới dần hình thành một nơi tụ tập buôn bán, trao đổi, dần dần biến thành chợ rồi sau đó thành huyện trấn. Thúc Hà cổ trấn chính là bằng chứng lịch sử của sự chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang thương nghiệp của người Nạp Tây.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC THÚC HÀ CỔ TRẤN
Trong Thúc Hà có rất nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang các bạn ạ, có khi tôi đi lạc vào một khu vực gần như hoang tàn và không có một bóng người, nhà cửa vẫn còn đấy, thậm chí tôi nhìn vào bên trong nhà vẫn còn đồ đạc sử dụng hằng ngày, nhưng chẳng thấy một ai, trên những mảng tường đã đóng bụi, phủ rêu theo thời gian. Tôi được biết ngày xưa Thúc Hà cũng rất tấp nập, nhưng dần dà theo thời gian và cơm áo gạo tiền, người dân nơi đây đã bỏ về Đại Nghiên cổ trấn để dễ làm ăn hơn. Và cũng vì vấn đề tâm lý của khách du lịch, hầu hết mọi người đều cho rằng đã là phố cổ thì chắc ở đâu cũng như nhau, đi tham quan cái nào lớn nhất, nổi tiếng nhất là được, để dành thời gian còn đi nơi khác. Nên theo thời gian, Thúc Hà cổ trấn và kể cả Bạch Sa cổ trấn mà tôi sẽ nói sau dần bị rơi vào quên lãng.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC THÚC HÀ CỔ TRẤN
Các bạn sẽ thấy tôi chụp rất ít hình ảnh về đường phố tại Thúc Hà, bởi vì nó buồn quá các bạn ạ. Mỗi lần tôi giơ máy ảnh lên thì khung cảnh hiện ra trong khung ngắm lại đượm một nét u sầu, tôi thật sự không muốn bấm máy một chút nào. Trong Thúc Hà cũng có khách sạn, trong một thoáng suy nghĩ chợt lướt qua, tôi thật sự muốn nếu có dịp quay lại Lệ Giang, tôi sẽ thuê hẳn một khách sạn trong Thúc Hà cổ trấn, không cần tấp nập xa hoa, không cần rộn ràng người qua, chỉ cần đơn giản một nơi để tôi thay đổi không khí, một nơi yên tĩnh, nhưng lại rất thần bí, cuốn hút để tôi có dịp tìm về những tháng ngày xa xưa. Đâu đó tiếng chuông vọng trong gió làm đầu óc tôi quay về với thực tại, tại Thúc Hà cổ trấn cũng có một góc phố đặt một giàn chuông rất đẹp, kèm theo đó là những mảnh gỗ điều ước cũng như bên Đại Nghiên cổ trấn.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC THÚC HÀ CỔ TRẤN
Giữa không gian tĩnh mịch đó tôi lại nghe vang lên giai điệu của một bản nhạc, tôi nhìn quanh nhưng không thấy ai, tôi tìm kỹ hơn một chút nữa thì cảm giác tiếng nhạc phát ra từ bên trên của một trong các căn nhà gần đây. Cuối cùng tôi cũng tìm được lối đi lên một khu, hay đúng hơn là một cụm những căn nhà được xây dựng nối liền nhau, những căn nhà riêng biệt nhưng lại được liên kết bởi những lối đi thông nhau như những hành lang. Tôi bước lên và ngạc nhiên khi thấy trong một ngôi nhà trệt lại có một nhóm người tụ tập và đang chơi nhạc, hầu hết là những người đàn ông người Nạp Tây, họ ngồi dàn hàng ngang và tấu lên những giai điệu trong trẻo bằng những nhạc cụ Trung Hoa như đàn cò, đàn tỳ bà. Trông họ thực sự như đang biểu diễn trên một sân khấu cho hàng ngàn người xem nhưng thực sự lúc đó chỉ có một mình tôi đứng xem. 
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC THÚC HÀ CỔ TRẤN
Tôi nghĩ đây có thể là một nhóm nhạc hoặc một nơi trình diễn mỗi khi có lễ hội gì đó, trên tấm bảng trước cửa có ghi hàng chữ "YOU RAN JIAN SHU HE". Tôi ngẩn ngơ đứng nghe rất lâu, họ không hát, chỉ tấu nhạc, nhờ vậy tôi không bị phân tâm bởi ngôn từ, lời ca mà chỉ tập trung vào giai điệu mà họ đánh lên. Họ chơi đàn say sưa và cũng như chẳng nhìn thấy tôi, tôi cảm nhận được với họ, âm nhạc là nguồn sống và là cảm hứng của họ mỗi ngày. Họ chơi nhạc không vì cần người xem, chỉ đơn giản âm nhạc với họ là cuộc sống. Sau đó tôi cũng rời đi và chuẩn bị rời Thúc Hà, một điều nữa cũng khác so với Đại Nghiên là ở Thúc Hà có rất nhiều ngựa. Ngựa chạy khắp phố, không phải là điều gì mới lắm nhưng có thêm ngựa thì mới giống kiếm hiệp 😝. Ngựa ở đây đẹp và nhìn oai vệ hơn ngựa ở sân Phú Thọ nhiều, một phần do khí hậu lạnh nên bộ lông của nó cũng phải phát triển nhiều hơn, dày hơn và dài hơn để thích nghi với khí hậu, nên nhìn bên ngoài cũng to và dữ dằn hơn.
LỆ GIANG VÂN NAM TRUNG QUỐC THÚC HÀ CỔ TRẤN
Vô tình tôi thấy ánh mắt con ngựa này đẹp sao sao nên chụp lại kỷ niệm, nhìn cũng không khác gì con Hãn Huyết bảo Mã (Akhal-Teke) của Quách Tĩnh trong Anh Hùng Xạ Điêu. Vậy là tôi đã khám phá xong Thúc Hà cổ trấn rồi đó. Thúc Hà không quá lớn như Đại Nghiên đâu nên các bạn hoàn toàn có thể khám phá hết được cổ trấn nếu muốn. Và về chi phí thì hiện nay tôi chưa rõ chính xác là thế nào. Vì trên website du lịch của https://www.travelchinaguide.com thì vé vào Thúc Hà là 40 yuan/người. Một số bạn trên mạng mách nước là nên đi vào cổ trấn từ cổng vào hướng bắc thì sẽ né được vé này vì ở cổng đó không có ai kiểm soát vé. Nhưng hôm tôi đi thì tôi quên mất chuyện đó, thậm chí khi đến nơi vẫn không nhớ là cần mua vé hay không nhưng tôi cứ đi vào một cách hiên ngang và cũng chẳng thấy ai đến nói gì cả. Nên tóm lại bữa đó tôi đi Thúc Hà cổ trấn hoàn toàn không tốn tiền, chỉ tốn tiền taxi thôi nhé.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: